1.Magie trong cơ thể
Khối lượng Mg trong cơ thể khoảng 25g, trong đó khoảng 60% là chứa trong xương dưới dạng kết hợp với Canxi và phospho và không thể dễ dàng trao đổi với Mg các khoang khác. Dịch ngoại bào chỉ chứa khoảng 1% tổng Mg cơ thể. Phần còn lại nằm trong khoang nội bào.
Cơ thể duy trì nồng độ Mg trong máu bằng cách kiểm soát quá trình hấp thu Mg từ ruột và quá trình bài xuất hay hấp thu ion tại thận. Mg được hấp thu tại ruột non nhờ một quá trình tích cực phụ thuộc vào 1-25-di – OH vitaminD. Sau khi được hấp thu Mg lưu hành trong máu dưới dạng ion hóa (60%) hay gắn với các protein (40%). Ở thận, Mg được lọc qua các cầu thận và được các ống thận tái hấp thu tới 95%.
Chức năng chính của magie: Tham gia vào quá trình hình thành xương, hoạt hoá nhiều loại enzyme, tham gia vào quá trình sản xuất năng lượng, là một ion thiết yếu tham gia duy trì nồng độ chức năng bình thường thần kinh cơ và tạo cục máu đông trong quá trình cầm máu.
Định lượng Mg có thể được thực hiện trên các loại bệnh phẩm: Huyết thanh (phản ánh Mg ngoài tế bào), hồng cầu (phản ánh Mg trong tế bào), nước tiểu 24 giờ. Cần ngưng thuốc có chứa Mg 3 ngày trước khi lấy máu xét nghiệm. Nên tách nhanh hồng cầu và tránh vỡ hồng cầu khi lấy mẫu xét nghiệm, do Mg là cation nằm chủ yếu trong tế bào.
Nồng độ bình thương Mg huyết thanh: Trẻ sơ sinh: 0,5 đến 0,54 mmol/L, trẻ nhỏ từ 0,69 đến 0,87 mmol/L và người lớn từ 0,65 đến 1,05 mmol/L. Trong nước tiểu nồng độ Mg bình thường: 3,0 – 4,25 mmol/L. Ở hồng cầu nồng độ Mg từ 2,25 đến 3,00 mmol/L.
2.Tăng Mg máu
Chẩn đoán tăng Mg máu là nồng độ Mg huyết thanh > 1,05 mmol/L. Ở nồng độ Mg trong huyết thanh từ 2,5 đến 5 mmol/L, điện tâm đồ cho thấy khoảng PR kéo dài, phức hợp QRS rộng hơn và biên độ sóng T tăng. Phản xạ gân sâu biến mất khi nồng độ magiê huyết thanh đạt tới 5,0 mmol/L. Hạ huyết áp, suy hô hấp và hôn mê phát triển khi tăng Mg máu. Có thể xảy ra ngừng tim khi nồng độ Mg trong máu 6,0 đến 7,5 mmol/L.
Nguyên nhân chính là suy thận, hoặc dùng thuốc, dịch truyền có chứa Mg (Ví dụ: điều trị tiền sản giật). Một số nguyên nhân khác như bệnh Addison, sau cắt tuyến thượng thận, mất nước, nhiễm toan ceton do ĐTĐ, cường chức năng cận giáp. Suy chức năng tuyến giáp, đa u tủy xương.
Các triệu chứng bao gồm hạ huyết áp, suy hô hấp và ngừng tim. Điều trị bao gồm tiêm tĩnh mạch calci gluconat và có thể là furosemid ; thẩm phân máu có thể hữu ích trong các trường hợp nặng
3.Hạ Mg máu
Hạ Mg máu là nồng độ Mg huyết thanh < 0,70 mmol/L. Hạ Mg máu nặng thường dẫn đến nồng độ < 0,50 mmol/L. Cần nghi ngờ thiếu hụt Mg ngay cả khi nồng độ Mg trong huyết thanh bình thường ở những bệnh nhân bị hạ canxi máu không rõ nguyên nhân hoặc hạ kali máu kháng trị. Cũng nên nghi ngờ thiếu hụt Mg ở những bệnh nhân có triệu chứng thần kinh không rõ nguyên nhân và rối loạn sử dụng rượu, bị tiêu chảy mãn tính hoặc sau khi sử dụng cyclosporin, hóa trị liệu dựa trên cisplatin hoặc điều trị kéo dài bằng amphotericin B hoặc aminoglycosid.
Nguyên nhân: Thiếu hụt Mg thường là kết quả của lượng hấp thụ không đủ cộng với suy giảm chức năng bảo tồn thận hoặc hấp thu qua đường tiêu hóa. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu Mg có ý nghĩa lâm sàng như: Rối loạn sử dụng rượu, tiêu chảy mãn tính, phẫu thuật bắc cầu ruột non, sử dụng thuốc ức chế bơm proton mãn tính, mang thai (đặc biệt là tam cá nguyệt thứ 3; bài tiết quá nhiều qua thận, các yếu tố khác; thường là sinh lý), cho con bú (nhu cầu magiê tăng), thuốc lợi tiểu, sau khi cắt bỏ khối u tuyến cận giáp, nhiễm toan ceton do tiểu đường, tăng tiết aldosterone, hormone tuyến giáp. Thuốc có thể gây hạ Mg máu như sử dụng thuốc ức chế bơm proton mãn tính (> 1 năm) và sử dụng đồng thời thuốc lợi tiểu. Amphotericin B có thể gây hạ Mg máu, hạ kali máu và tổn thương thận cấp tính .
Một số bệnh nhân không có triệu chứng. Các biểu hiện lâm sàng bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, lờ đờ, yếu, thay đổi tính cách, co giật (ví dụ, dấu hiệu Trousseau hoặc Chvostek dương tính hoặc co thắt cổ tay tự phát, tăng phản xạ), run và co giật cơ. Tình trạng hạ Mg máu nghiêm trọng có thể gây ra cơn co giật toàn thân, đặc biệt là ở trẻ em.
Điều trị bằng muối magie khi thiếu magie có triệu chứng hoặc nồng độ Mg liên < 0,50 mmol/L. Cho uống muối Mg trừ khi bệnh nhân bị co giật hoặc các triệu chứng nghiêm trọng khác, trong trường hợp đó, tiêm tĩnh mạch 2 đến 4 g magie sulfat trong 5 đến 10 phút.
Tóm lại, Mg là một khoáng chất rất cần thiết cho quá trình sản xuất năng lượng, khả năng co cơ, duy trì chức năng thần kinh của cơ thể và giúp xương chắc khỏe. Các xét nghiệm sinh hóa Mg thường được chỉ định để kiểm tra sự thiếu hụt Mg ở người kém hấp thu, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, nghiện rượu hoặc uống thuốc làm tăng bài tiết Mg qua thận. Nồng độ Mg trong cơ thể sẽ thừa nếu bài tiết giảm hoặc do bổ sung quá mức, ngược lại thiếu Mg là do kém ăn và hấp thu hoặc tăng bài tiết. Xét nghiệm định lượng Mg trong máu có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện thiếu hụt hoặc dư thừa khoáng chất này trong cơ thể, từ đó giúp các bác sĩ lâm sàng chẩn đoán và đưa ra biện pháp can thiệp thích hợp, mang lại hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Đa khoa tinh Tuyên Quang, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên môn cao, được đào tạo chuyên sâu cùng trang thiết bị hiện đại là địa chỉ tin cậy để thực hiện xét nghiệm định lượng Mg trong máu.
Ths.Bs: Phạm Thị Ánh Tuyết Trưởng khoa Hóa Sinh Vi Sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang