Chiều ngày 26/5, bé Tráng M.K, 4 tuổi, trú tại xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cùng gia đình đi chơi và tắm ở suối gần nhà, sau đó về bị cộm, nhức mắt và chảy máu mắt, nghi có dị vật trong mắt nên sáng ngày 27/5, gia đình đưa bé đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để thăm khám.
Bác sỹ CKI Chẩu Thanh Thúy, khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, khi thăm khám mắt cho bệnh nhi K, phát hiện 1 con vắt đang di chuyển trong kết mạc cùng đồ mi trên mắt trái của bé, các bác sỹ đã cẩn thận thực hiện gắp con vắt ra thành công. Sau đó bệnh nhân được kê đơn thuốc và ra về ngay trong ngày. Rất may là người nhà đã đưa bé K đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để xử lý kịp thời. Nếu đưa đến chậm sẽ khó khăn trong việc gắp con vắt, vì nó có thể bám sâu vào kết mạc hút máu, gây thiếu máu kết mạc dẫn đến hoại tử và nặng nhất có thể gây mù lòa.
Con vắt thường sống trong môi trường nước, tại các khe suối ở vùng rừng núi cao rất nhiều. Khi người dân đi vào rừng lấy củi, hái măng, có khi rửa mặt, uống nước hoặc tắm suối rất dễ bị chúng chui vào mũi, mắt hoặc tai mà không hề hay biết. Ban đầu con vắt rất nhỏ, chỉ bằng sợi tóc. Khi chui vào mũi, mắt, tai… chúng sống ký sinh bằng cách hút máu và to dần lên. Thường thì con vắt hay chui và sống trong mũi người rất nhiều, nhưng với trường hợp chui vào mắt thì ít gặp hơn.
Bác sĩ khuyến cáo: người dân không nên bơi lội hoặc rửa mặt, uống nước tại các khe suối để tránh vắt chui vào mắt, mũi, tai… Nếu phát hiện có dị vật trong mắt, tai mũi họng, nên đến khám bệnh tại cơ sở y tế (như Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) càng sớm càng tốt để được bác sỹ thăm khám và điều trị.