Loét tì đè là tình trạng phổ biến ở người bệnh bị nằm liệt, nằm lâu, đặc biệt ở người cao tuổi có tỷ lệ cao nhất. Các bệnh nhân bị chấn thương cột sống, chấn thương sọ não, hay tai biến…..có nguy cơ loét tỳ đè cao.
Các yếu tố góp phần hình thành loét do tỳ đè bao gồm thiếu hụt dinh dưỡng, mất thể tích, trọng lượng tăng hoặc giảm, thiếu máu, đại tiện mất tự chủ, suy thận, đái tháo đường, bệnh ác tính, dùng thuốc an thần, phẫu thuật lớn, các rối loạn chuyển hóa, hút thuốc và nằm liệt giường hoặc ngồi trên xe lăn. Sau cùng bản thân da của người có tuổi giảm độ dày và tính đàn hồi, nên tăng nguy cơ tổn thương khi bị tỳ đè.
Thạc sỹ Bác sỹ Quàng Văn Hải – Phó trưởng Khoa Chấn thương – Chỉnh hình cho biết: Vết loét nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời thì rất dễ lan rộng và tiến triển nặng. Vấn đề này để lại nhiều hậu quả với sức khỏe bệnh nhân và gây khó khăn cho người chăm sóc.
Cách chăm sóc dự phòng loét
- Thay đổi tư thế bệnh nhân 2h/lần, tránh để tì đè lâu 1 vị trí, có các vật dụng kê sao cho người bệnh được thoải mái.
- Khi vận chuyển, thay đổi tư thế người bệnh cần nhẹ nhàng tránh tạo ma sát gây tổn thường lớp biểu bì. Tránh nâng thân người bệnh lên cao hơn 30 độ để hạn chế lực trượt.
- Vệ sinh sạch sẽ, giữ các vùng tì đè không để ẩm ướt, chất thải tiết ra tránh ứ đọng vào vùng tì đè.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp đầy đủ cho người bệnh để cơ thể tăng sức đề kháng.
- Massage các vị trí tì đè sau khi thay đổi tư thế.
Khi có biểu hiện loét cần phải đến các cơ sở y tế có Bác sỹ chuyên khoa để được khám phân loại, chẩn đoán mức độ loét và đưa ra hướng điều trị, chăm sóc thích hợp tránh vết loét lan rộng và phức tạp hơn.