Có nhiều nguyên nhân gây ra phản vệ, dị nguyên hay gặp là: Thức ăn; Tôm, Cua, Dứa… Nọc côn trùng đốt: Ong, Kiến… Thuốc điều trị bệnh, Vacxin, các chế phẩm máu…
MỘT SỐ TRIỆU CHỨNG CỦA PHẢN VỆ CẦN ĐƯỢC CẤP CỨU NGAY BAO GỒM:
Nghĩ đến phản vệ khí có ít nhất một trong các triệu chứng sau
- Mày đay, phù mạch nhanh, ngứa
- Khó thở, tức ngực, thở rít
- Đau bụng hoặc nôn, ỉa chảy
- Tụt huyết áp hoặc ngất
- Da xanh tái, vã mồ hôi, bồn chồn lo lắng, lú lẫn, hôn mê.
Các triệu chứng của phản vệ có thể xấu đi rất nhanh chóng. Lúc đó, người bệnh cần được điều trị ngay vì các triệu chứng đôi khi có thể gây tử vong.
Mức độ nặng nhẹ của phản vệ phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, và phụ thuộc vào thời gian xử lý điều trị. Những dấu hiệu sớm cần lưu ý: ngứa bàn tay, chân, tê môi, lưỡi, khó thở, nhịp tim nhanh, cảm giác bồn chồn, hốt hoảng
CÁC MỨC ĐỘ CỦA PHẢN VỆ
Cần lưu ý rằng mức độ phản vệ có thể nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự.
Nhẹ (độ I): chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa , phù mạch
Nặng (độ II): có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan
- Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.
- Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.
- Đau bụng, nôn, ỉa chảy.
- Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp
Nguy kịch (độ III): biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau
- Đường thở: tiếng rít thanh quản , phù thanh quản.
- Thở: thở nhanh, khò khè,tím tái, rối loạn nhịp thở.
- Rối loạn ý thức: vật vã ,hôn mê,co giật, rối loạn cơ tròn.
- Tuần hoàn : sốc, mạch nhanh nhỏ,tụt huyết áp.
Ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.
Nếu cảm thấy cơ thể có sự thay đổi đột ngột khi tiếp xúc với tác nhân lạ cần nghi ngờ tình trạng phản vệ xảy ra, đặc biệt là những người đã có tiền sử dị ứng trước đó. Tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ. Cần có sự hướng dẫn và can thiệp kịp thời của bác sĩ khi bạn xuất hiện các dấu hiệu bị phản vệ.
Bác sỹ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo:
Phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, để phòng ngừa phản ứng phản vệ, người dân cần tránh tiếp xúc tối đa với các tác nhân đã từng gây phản ứng dị ứng và hạn chế tiếp xúc với các tác nhân lạ. Hậu quả của phản vệ vô cùng nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời.
Vì vậy, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... nếu thấy xuất hiện các biểu hiện triệu chứng như mẩn ngứa trên da, khó thở, hạ huyết áp… gia đình hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt (hoặc có thể đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) để được cấp cứu kịp thời. Bởi quá trình chuyển biến từ biểu hiện lâm sàng đến nguy cơ gây tử vong diễn ra rất nhanh, từ vài giây, vài phút đến vài giờ. Có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Để được tư vấn xử trí phản vệ kịp thời, người bệnh vui lòng liên hệ:
-
- Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, số điện thoại: 0207.3.821.606 – 0869.565.798.