Chiều ngày 3/11, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhân Trịnh T. T. 46 tuổi, trú tại phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, nhập viện trong tình trạng: Hôn mê, tím tái toàn thân, sùi bọt mép, tiết nhiều đờm dãi, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, vã mồ hôi, chân tay lạnh toát, thở ngáp.
Gia đình bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện khoảng 10 phút, bệnh nhân đang đi làm, bị kiến xoan đốt vào sườn bên phải, sau đốt khoảng 5 phút, bệnh nhân vã mồ hôi, tím tái, ngất lịm đi...nên được người xung quanh đưa thẳng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu.
Bệnh nhân T nằm thở máy sau khi được cấp cứu qua cơn nguy kịch
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ mức độ nguy kịch và được cấp cứu nhanh chóng, điều trị bằng nhiều biện pháp như: Hồi sức tích cực, thải độc và chăm sóc đặc biệt. Sau 10 phút nỗ lực chạy đua với tử thần, huyết áp bệnh nhân dần ổn định, bệnh nhân dần tỉnh, thở theo máy.
Vết kiến xoan cắn ở sườn phải của bệnh nhân
Hiện tại, sau 4 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tự thở và tỉnh táo hoàn toàn và đã được xuất viện vào chiều ngày 7/11.
Bac sĩ Chẩu Thị Nguyệt, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc căn dặn bệnh nhân trước khi xuất viện.
Bác sỹ Chẩu Thị Nguyệt– Khoa HSTC-CĐ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Người dân sau khi tiếp xúc với dị nguyên (là yếu tố lạ khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, bao gồm: Thuốc, côn trùng, thức ăn và các hóa mỹ phẩm khác…), trường hợp phản vệ có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc.
Với những trường hợp phản vệ, nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ bị co thắt phế quản gây suy hô hấp, phù phổi cấp, giãn toàn bộ hệ thống mao mạch gây trụy mạch dẫn đến tử vong.
Vì vậy, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: Kiến đốt, ong đốt, hoặc sau khi ăn các loại thực phẩm, thuốc... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị.