Ngày 29/6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai, Công ty TNHH B.Braun Việt Nam tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật cấy ghép và chăm sóc Buồng tiêm dưới da” tại Hội trường B của Bệnh viện.
Lớp tập huấn nhằm cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc, điều trị bệnh nhân ung thư cho đội ngũ cán bộ y tế, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Tham dự lớp tập huấn, về phía Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang có Bác sỹ Chuyên khoa II Ngô Quang Chiến – Phó Giám đốc Bệnh viện; Đại diện phòng Đào tạo - Chỉ đạo tuyến; Các Bác sỹ, Điều dưỡng của khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang; Giảng viên khóa tập huấn có: Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Quang Hùng – PGĐ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai, ThS.BS Lê Văn Long và CN. Điều dưỡng Nguyễn Thị Nhâm – Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai; Đại diện Công ty TNHH B.Braun Việt Nam.

Tại lớp tập huấn, các học viên được cập nhật thêm các kiến thức mới về vai trò của Buồng tiêm dưới da trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân lâu dài; Kỹ thuật cấy ghép Buồng tiêm dưới da (từ lý thuyến đến thực hành); Biến chứng sau đặt Buồng tiêm dưới da (Cách xử trí và những điều cần lưu ý); Hướng dẫn đặt và chăm sóc trực tiếp trên bệnh nhân đặt buồng tiêm.
Sau khi học về lý thuyết, các y bác sỹ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai đã hướng dẫn cầm tay chỉ việc và phối hợp với các y bác sỹ khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang thực hiện đặt buồng tiêm dưới da thành công cho 2 bệnh nhân đang điều trị ung thư tại Bệnh viện.

Bác sỹ Chuyên khoa I Trần Thị Oanh – Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Buồng tiêm là một thiết bị, được cấy dưới da của người bệnh tạo thành một cổng vào bằng phẫu thuật, để có thể tiếp cận các tĩnh mạch trung tâm lớn. Tiếp cận cổng vào này được thực hiện bằng cách dùng một loại kim đặc biệt đi xuyên qua da để đi vào buồng tiêm. Điều này giúp cung cấp tất cả các loại thuốc và dịch truyền qua đường tĩnh mạch cũng như lấy mẫu máu mà không cần chích kim ở cánh tay.
Buồng tiêm dưới da có nhiều lợi ích vượt trội (đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư và các bệnh nhân mắc bệnh về máu mãn tính) khi có chỉ định điều trị bằng đường tĩnh mạch như:
Tiện lợi tuyệt đối: dùng cho tất cả các mục đích truyền dịch.
Giảm thiểu nguy cơ “thoát mạch”.
Hạn chế cảm giác sợ hãi, đau mỗi khi lấy vein hoặc tiêm tĩnh mạch.
Hạn chế tổn thương viêm xơ tĩnh mạch ngoại vi.
Thuận tiện cho điều dưỡng trong quá trình tiêm truyền, đặc biệt với bệnh nhân khó lấy vein.
Đặc biệt hữu ích trong trường hợp cấp cứu khi cần phải thiết lập ngay đường truyền tĩnh mạch trung tâm.
Bệnh nhân không bị hạn chế vận động vùng chi, tránh tê bì và thuận tiện trong sinh hoạt khi đang truyền hóa chất.
Buồng tiêm có thể được giữ trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, tùy thuộc vào phương thức điều trị (miễn là buồng tiêm vẫn còn hoạt động tốt và không có dấu hiệu nhiễm khuẩn). Điều quan trọng là người bệnh và gia đình phải hiểu rõ về buồng tiêm, cách sử dụng và cách chăm sóc để có thể đạt hiệu quả tốt nhất. Bác sĩ sẽ rút buồng tiêm khi người bệnh không cần sử dụng nữa.